Nguồn cung cá tuyết thắt chặt, trong khi cá minh thái tăng (08-09-2023)

Hạn ngạch cá tuyết ở Biển Barents đã bị cắt giảm 20% vào năm 2023 và nhóm nghiên cứu chung giữa Na Uy và Nga về Biển Barents đã đưa ra khuyến nghị rằng hạn ngạch này sẽ bị cắt giảm thêm 20% vào năm 2024. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới tình hình nguồn cung sẽ bị thắt chặt. Trái lại, nguồn cung cá minh thái Alaska dự kiến sẽ tăng.
Nguồn cung cá tuyết thắt chặt, trong khi cá minh thái tăng
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Ngư dân khai thác cá tuyết tại tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada khá thất vọng khi Bộ Thủy sản và Đại dương (the Department of Fisheries and Oceans - DFO) hồi cuối tháng 6 vừa qua đã công bố hạn ngạch khai thác cá tuyết miền Bắc cho niên vụ 2023-2024. Hạn ngạch được đặt ra chỉ ở mức 12.999 tấn, trong khi các tổ chức cộng đồng ngư dân đề xuất hạn ngạch là 25.000 tấn. Cá tuyết phương Bắc - chính là loài Gadus morhua được đánh bắt ở nhiều khu vực khác nhau, nhưng cá tuyết phương Bắc luôn được đánh giá là có chất lượng vượt trội với thịt chắc hơn so với khi đánh bắt ở nơi khác.

Nguồn lợi cá tuyết ở Biển Barents rõ ràng không ở tình trạng tốt như người ta mong đợi. Nhóm nghiên cứu chung giữa Na Uy và Nga về trữ lượng cá ở Biển Barents đã đưa ra lời khuyến nghị cho mùa vụ năm 2024 vào cuối tháng 6 năm 2023 với tổng sản lượng là 453.427 tấn, thấp hơn 20% so với hạn ngạch năm 2023. Những khuyến cáo từ kết quả nghiên cứu này đã thể hiện sự sụt giảm 20% trong hai năm qua.

Các nhà nghiên cứu ước tính trữ lượng cá lên tới khoảng 700.000 tấn. Trong lịch sử thì mức cao nhất về trữ lượng là 2,2 triệu tấn vào năm 2013. Việc giảm hạn ngạch được quy định là “hạn ngạch không thể giảm quá 20% mỗi năm”.

Tính đến giữa tháng 5/2023, các tàu cá minh thái Alaska hoạt động tại bang Alaska đã gần như hoàn thành hạn ngạch mùa A tại Biển Bering. Khoảng 100 tàu đang hoạt động trong khu vực đã đánh bắt được khoảng 1,2 tỷ pound (tương đương với 544.311 tấn) cá minh thái kể từ khi mùa khai thác bắt đầu vào ngày 20 tháng 1. Như vậy, theo hạn ngạch thì chỉ còn lại 19.504 tấn.

Sản lượng cá minh thái Alaska của Mỹ dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2023 so với năm trước. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi về các dạng sản phẩm. Sản lượng surimi dự kiến sẽ tăng từ 161.000 tấn vào năm 2022 lên 187.000 tấn vào năm 2023 (+16,1%), trong khi sản lượng philê/block sẽ tăng 29% lên khoảng 200.000 tấn. Dự kiến, sản xuất philê sẽ tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm lột da kỹ (deepskin), vốn được các chuỗi thức ăn nhanh như McDonalds ưa chuộng sử dụng.

Thị trường

Số liệu thương mại của Trung Quốc chỉ ra rằng cá minh thái Alaska nhập khẩu nhiều hơn có thể được tiêu thụ ngay tại Trung Quốc thay vì được chế biến và tái xuất khẩu sang các thị trường ở châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 598.180 tấn cá minh thái H&G và xuất khẩu 208.000 tấn philê và block. Điều này thể hiện nhập khẩu tăng 56% nhưng xuất khẩu chỉ tăng 19% so với năm trước đó.

Giá cả

Kể từ năm 2017, cá minh thái Alaska của Mỹ (đã đạt được chứng nhận MSC) ở dạng đông lạnh blocks (US Alaska MSC-pollock single-frozen blocks) đã bắt đầu tăng giá. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, giá của loại sản phẩm này giảm đột ngột.

Gần đây, giá cá minh thái philê đông lạnh đơn và đông lạnh hai lần (single-frozen and double-frozen pollock fillets) đều giảm nhanh chóng. Cùng với đó, các sản phẩm cá rút xương (pin bone out - PBO) của Nga và Trung Quốc đều giảm giá.

Tại thị trường Đức, một trong những chuỗi giảm giá kích cầu lớn đã giảm đồng loạt giá các sản phẩm được làm từ cá minh thái (giảm tới 12,5%). Giá cá nguyên liệu giảm, đặc biệt là cá minh thái nhập khẩu từ Liên bang Nga, đã tạo điều kiện cho các chuỗi giảm giá như thế này chạy các chương trình giảm giá thành phẩm. Giá được dự đoán là vẫn còn tiếp tục giảm thêm vào tháng 9 năm 2023.

Với khoảng 50-60% hạn ngạch cá tuyết Iceland được đánh bắt vào giữa tháng 6, giá cá tuyết Iceland đang trượt dốc và có thể vẫn duy trì ở mức thấp cho đến khi hạn ngạch được lấp đầy. Sau đó, giá cá tuyết Iceland dự kiến sẽ tăng vọt cho đến khi mùa vụ mới bắt đầu.

Nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu mùa hè tốt ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã đẩy giá cá tuyết đông lạnh Na Uy lên một tầm cao mới. Trong tháng 6, giá xuất khẩu trung bình của cá tuyết đông lạnh H&G sang Vương quốc Anh và Bắc Ireland đạt 58,05 NOK (5,40 USD)/kg (fob Na Uy), mức cao nhất được ghi nhận trong vòng ba năm qua.

Đồng tiền Na Uy (NOK) gần đây rất yếu và điều này đã ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường cá thịt trắng. Giá USD đối với cá tuyết đông lạnh cỡ nhỏ hầu như không thay đổi, nhưng đối với các nhà xuất khẩu Na Uy, giá tính bằng đồng nội tệ đã tăng do đồng krone (NOK) suy yếu. Ngân hàng Trung ương Na Uy đã tăng lãi suất trong nỗ lực xoay chuyển tình thế này, nhưng đến nay không thành công như mong đợi. Do đó, giá các sản phẩm của Na Uy tính bằng USD dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc thậm chí giảm nhẹ cho đến khi đồng NOK tăng so với các đồng tiền mạnh trên thế giới (major currencies).

Thương mại

Sau khi bắt đầu nổ ra xung đột ở Ukraine vào tháng 3 năm 2022, Tổng thống Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu hải sản và các sản phẩm khác từ Liên bang Nga. Tuy nhiên, có một lỗ hổng trong trật tự đó là Mỹ đã không ngăn chặn được hải sản Nga được xử lý ở một quốc gia khác và lại tiếp tục xuất hiện trên thị trường thế giới. Do đó, hải sản Nga nhập khẩu vào Trung Quốc để tái chế có thể được nhập khẩu hợp pháp vào Mỹ. Lỗ hổng này sẽ được đóng lại nếu Đạo luật mới về hải sản với nguyên tắc có đi có lại của Mỹ - Liên bang Nga năm 2023, đã được đệ trình tại Ủy ban Tài chính Thượng viện vào ngày 15/6/2023, được thông qua.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2023 cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều cá minh thái bỏ đầu - bỏ ruột từ Liên bang Nga so với hai năm trước. Trong quý 1 năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 522.127 tấn cá minh thái đông lạnh từ Liên bang Nga, so với 361.574 tấn vào năm 2022. Xuất khẩu philê cá minh thái đông lạnh của Trung Quốc tăng 5% trong quý 1 năm 2023, lên 183.419 tấn. Xuất khẩu philê cá minh thái đông lạnh của Trung Quốc sang Mỹ tăng 16,8% trong cùng kỳ lên 20.967 tấn. Xuất khẩu philê cá minh thái đông lạnh của Trung Quốc sang Đức tăng từ 73.194 tấn trong quý 1 năm 2022 lên 86.385 tấn trong quý 1 năm 2023.

Có vẻ như cá minh thái có nguồn gốc từ Nga khá phổ biến ở Đức, vì nhập khẩu cá minh thái trực tiếp từ Liên bang Nga đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn này. Nhập khẩu cá minh thái nguyên con đông lạnh của Đức từ Liên bang Nga đã tăng từ 6.431 tấn trong quý 1 năm 2022 lên 9.518 tấn trong quý 1 năm 2023 (+48%) và nhập khẩu phi lê cá minh thái đông lạnh tăng từ 4.924 tấn vào năm 2022 lên 7.976 tấn vào năm 2023 (+62%).

Nguồn cung cá tuyết từ Na Uy năm nay khan hiếm và xuất khẩu giảm cả về khối lượng và giá trị. Trong ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tuyết đông lạnh giảm 27,2% về khối lượng, từ 40.872 tấn năm 2022 xuống 29.774 tấn vào năm 2023. Giá trị xuất khẩu giảm 14,7%, từ 1.833.244 NOK (171,7 triệu USD) vào năm 2022 xuống còn 1.563.110 NOK (146,4 triệu USD) vào năm 2023.

Xuất khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con của Na Uy trong quý đầu tiên năm 2023 giảm mạnh 39,3% xuống còn 15.392 tấn, so với 25.361 tấn cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 57,7%, trong khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 17,4%.

Quý 1 năm 2023, nhập khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con vào Hà Lan giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng lượng nhập khẩu là 9.042 tấn so với 11.985 tấn vào năm 2022. Các nhà cung cấp lớn nhất là Liên bang Nga, chiếm 58,8%, tiếp theo là Na Uy với 24,4%.

Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con của Trung Quốc trong giai đoạn này giảm nhẹ (-4,6%) từ 25.795 tấn năm 2022 xuống 24.606 tấn năm 2023. Hầu hết trong số này (53%) đến từ Liên bang Nga.

Surimi

Sản lượng surimi của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 161.000 tấn vào năm 2022 lên 187.000 tấn vào năm 2023. Con số này thể hiện sự tăng trưởng 16,1% so với năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn sản lượng năm 2019 - khoảng 200.000 tấn.

Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường surimi tăng trưởng chậm ở cả Nhật Bản và châu Âu. Rõ ràng, người tiêu dùng đang cắt giảm những mặt hàng không thiết yếu và surimi là một trong những sản phẩm đang bị ảnh hưởng. Vào thời điểm này năm 2022, nhu cầu tiêu thụ bùng nổ và giá bị đẩy lên cao, nhưng năm nay giá cả cá minh thái xuất xứ Hoa Kỳ đối với surimi và nguyên liệu thô xuất xứ Châu Á đều giảm tới 25 – 30%. Trong quý đầu tiên của năm 2023, doanh số bán surimi tại thị trường châu Âu và châu Á đã giảm gần 10% và lợi nhuận của các nhà sản xuất giảm.

Mỹ đã mất chỗ đứng vào tay Liên bang Nga trên thị trường surimi châu Á. Giá Surimi đang giảm và Nga lại có thể sản xuất với chi phí thấp hơn Mỹ. Trong khi người châu Á thường không quan tâm việc mua hàng từ ai, miễn là giá thấp và chất lượng chấp nhận được.

Dự báo

Với nguồn cung cá tuyết dự kiến thắt chặt hơn trong năm 2023, giá chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, đối với cá minh thái, tình hình lại khá khác, nguồn cung dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, giá cá minh thái đang giảm và dự kiến sẽ giảm hơn nữa. Rất nhiều cá minh thái Nga được đưa vào thị trường với giá thấp. Giá nguyên liệu thô thấp sẽ kéo theo giá tiêu dùng thấp, điều này chắc chắn sẽ được hoan nghênh, chẳng hạn như ở thị trường châu Âu, nơi giá lương thực gần đây đã tăng vọt.

Thị trường surimi trầm lắng và dự kiến sẽ không cải thiện nhiều ngay cả khi giá nguyên liệu thô giảm. Thị trường surimi châu Âu tăng trưởng chậm và có thể sẽ tiếp tục như vậy. Xu hướng tương tự cũng đang được nhìn thấy ở thị trường surimi châu Á.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác